Như thường lệ vào 7 giờ 30 phút mỗi sáng, các em học sinh ở lớp giáo dục đặc biệt của cô giáo Nguyễn Thị Xuyến, trường Tiểu học Sơn Lạc, xã Kim Phú vào lớp ngồi ngay ngắn, trật tự. Lớp học không nghe tiếng đánh vần ê, a, mà cô trò chỉ giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ, cử chỉ, ánh mắt. Cô Xuyến kiên nhẫn phát âm, uốn từng nét chữ, lặp đi lặp lại cử chỉ tay, khiến nhiều người phải cảm phục sự tận tâm, lòng nhiệt huyết, tình yêu của cô dành cho những học sinh đặc biệt.
Một giờ học chữ của cô và trò lớp học giáo dục đặc biệt trường Tiểu học Sơn Lạc, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang).
Cô Xuyến chia sẻ, lớp học có 15 em học sinh, là những em khuyết tật vận động, mỗi em có một hoàn cảnh, tính cách khác nhau. Vì vậy cô không chỉ dạy chữ, mà còn kiêm luôn việc chăm sóc các em từ học hành, đến vui chơi. Ngoài giờ học trên lớp, cô dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự, chú ý đến việc phát triển tâm sinh lý, khả năng cảm nhận của từng em học sinh, để các em biết thêm được mặt chữ, đếm được con số và kiểm soát được hành vi của mình.
Với học trò đặc biệt, các trường học đều không áp lực về kiến thức mà chủ yếu giáo dục kỹ năng sống để các em dễ dàng hòa nhập cùng các bạn. Cô giáo Trần Thị Thành, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Thuận cho biết, trường hiện có 2 lớp giáo dục đặc biệt với 24 em học sinh, trong đó có những em 10-14 tuổi nhưng khả năng phát triển chỉ giống như trẻ 2-3 tuổi. Chính vì vậy, để các em được tiếp thu kiến thức và kỹ năng sống, mỗi cô giáo phụ trách lớp học đặc biệt sẽ có một kế hoạch giáo dục riêng cho từng em, vì mỗi em có một cá tính khác nhau, nên việc soạn giáo án cũng phải tỉ mỉ. Các cô cũng kết hợp làm các dụng cụ học tập theo sở thích của từng em, có em thích học nguyên toán cô làm que tính cho các em cộng; em thích học vẽ cô tặng giấy A4; em thích đọc truyện cô sưu tầm những quyển truyện tranh hay cho các em... điều mong muốn nhất sẽ giúp các em hòa nhập cộng đồng và trưởng thành dần.
Học sinh lớp học giáo dục đặc biệt trường Tiểu học Bình Thuận (TP Tuyên Quang) luôn được các cô giáo quan tâm và chăm sóc tận tình.
Được hòa nhập với các bạn đồng trang lứa nhiều em học sinh đã tự tin, mạnh dạn giao tiếp hơn trong cuộc sống. Em Nguyễn Hương Giang, lớp khuyết tật đặc biệt A, trường Tiểu học Bình Thuận chia sẻ với cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Hương bằng ngôn ngữ cử chỉ của mình, được cô giáo Hương dịch, em vào trường học được gần 2 năm, ban đầu em sợ tiếp xúc với mọi người, không biết viết chữ, không biết đếm số. Nhưng được sự quan tâm, chăm sóc ân cần của cô giáo, em đã xóa được mặc cảm tự ti, hòa nhập với bạn bè. Em sẽ cố gắng học tập tốt không phụ lòng yêu thương của cô giáo và gia đình.
Để học sinh khuyết tật có môi trường học tập tốt hơn, vừa qua Hội bảo trợ Người khuyết tật tỉnh tổ chức Chương trình Hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại thành phố Tuyên Quang, thời gian thực hiện từ tháng 9-2022 đến tháng 12-2024, tại các trường Tiểu học Bình Thuận; Tiểu học Sơn Lạc, xã Kim Phú và Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Ánh Bình Minh, kinh phí 360 triệu đồng do vốn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài không hoàn lại của Tổ chức Green cross Switzerland tại Việt Nam. Chương trình cũng đã trao tặng ti vi, máy tính xách tay, đồ dùng học tập, tặng học bổng cho học sinh khuyết tật với tổng trị giá gần 100 triệu đồng, hoạt động này giúp các em học sinh khuyết tật niềm tin và nghị lực, phấn đấu vươn lên trong học tập và cuộc sống hàng ngày.
Mặc dù điều kiện học tập của học sinh đặc biệt còn nhiều khó khăn nhưng các cô giáo dạy trẻ khuyết tật ở các trường học trên địa bàn thành phố Tuyên Quang vẫn hết lòng cống hiến truyền lửa ấm áp, sưởi ấm tâm hồn trẻ khuyết tật gieo niềm tin, nghị lực sống chắp cánh ước mơ để các em được hòa nhập cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết